MINH VIET PHAT GROUP, Lô J55 Đường NE8, Mỹ Phước 3, Phường Thới Hòa, Bến Cát, Bình Dương , Ho Chi Minh, 70000, VN. 0945 56 6262
Hotline: 0945 56 6262
google.com tiwtter.com youtube.com facebook.com

ĐÃ CÓ QUYẾT ĐỊNH THU HỒI LÔ ĐẤT VÀNG 8-12 LÊ DUẨN

     Hơn nửa năm sau kết luận của Thanh tra Chính phủ về sai phạm tại lô đất vàng 8-12 Lê Duẩn, đến nay TP.HCM đã chính thức có quyết định thu hồi lô đất này.

Sáng 11/2, UBND TP.HCM ban hành quyết định số 5671 về việc thu hồi khu 'đất vàng' diện tích hơn 4.896 m2 ở số 8 - 12 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1.

Theo quyết định, khu “đất vàng” bị thu hồi bao gồm mặt bằng số 8 Lê Duẩn diện tích hơn 3.456 m2 và mặt bằng số 12 Lê Duẩn diện tích hơn 1.431 m2. Khu đất do Công ty cổ phần đầu tư Lavenue được thuê đất, giao đất theo quyết định số 2186 ngày 5/5/2016.

Quyết định thu hồi nêu rõ là thực hiện theo quy định tại điểm c, khoản 1, điều 64 luật Đất đai là đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng theo kết luận thanh tra số 645 ngày 4/5 của Thanh tra Chính phủ, được Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến kết luận tại thông báo số 249 ngày 18/7/2018 của Văn phòng Chính phủ.

Văn bản cũng nêu rõ nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện.

Theo đó, Chủ tịch UBND phường Bến Nghé được giao trao quyết định số 5671 cho Công ty cổ phần đầu tư Lavenue. Trường hợp Công ty cổ phần đầu tư Lavenue không nhận quyết định này hoặc vắng mặt thì phải lập biên bản, niêm yết quyết định số 5671 tại trụ sở UBND P.Bến Nghé, tại nơi sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư theo quy định.

LS Trương Xuân Tám cho rằng, quyết định thu hồi ngay diện tích hơn 4.896 m2 ở số 8 - 12 Lê Duẩn, Q.1, TP.HCM là cần thiết và đúng đắn.

Ông Tám phân tích, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, diện tích đất gồm mặt bằng số 8 Lê Duẩn với diện tích 3.456m2 và mặt bằng 12 Lê Duẩn diện tích 1.432m2 được giao cho Công ty cổ phần đầu tư Lavenue thuê đất theo quyết định số 2186 ngày 5/5/2016 của UBND TP.HCM.

Như vậy, việc mua bán giữa hai bên không thực hiện theo hình thức đấu giá, hoặc mua bán công khai như hai tổ chức dân sự với nhau mà mua theo quyết định hành chính của UBND thành phố.

Với trường hợp này, căn cứ phát sinh chính là việc giao đất không qua đấu giá và đã được Thanh tra Chính phủ kết luận là trái quy định của pháp luật.

"Như vậy, chỉ đạo thu hồi ngay diện tích đất đã giao cho doanh nghiệp là một cách sửa sai kịp thời, nhằm giảm bớt thiệt hại của UBND TP.HCM và nhà nước", ông Trương Xuân Tám nhấn mạnh.

Theo vị LS, đây là vụ án khác với tính chất các vụ án khác phải trưng cầu vật chứng để phục vụ điều tra. Đối với vụ án xử lý đất đai thì các hồ sơ, hợp đồng mua bán đất đai giữa hai bên sẽ là bằng chứng quan trọng trong quá trình thẩm tra, xét xử vụ án.

Do đó, trong trường hợp này, TP.HCM hoàn toàn có thể ra quyết định thu hồi ngay diện tích đất được giao sai mà không hề gây ảnh hưởng gì tới quá trình cũng như kết quả xét xử vụ án.

Về phía doanh nghiệp, LS Trương Xuân Tám cho rằng cần xem xét ở hai góc độ. Thứ nhất, nếu trong quá trình điều tra cơ quan điều tra phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu móc ngoặc, đi đêm, hoặc thông đồng với các cán bộ quản lý, lãnh đạo đã làm sai để được thuê, sử dụng diện tích đất với giá ưu đãi, để được hưởng lợi thế giá rẻ thì cũng phải xem xét cả hành vi vi phạm của doanh nghiệp, kể cả phải khởi tố hình sự, khởi tố bị can theo đúng trình tự pháp luật.

Ngược lại, nếu doanh nghiệp có thể chứng minh mình bị oan có thể kiện quyết định thu hồi của UBND thành phố ra tòa hành chính. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, khả năng để cho doanh nghiệp thắng kiện là rất khó vì thương vụ giao dịch trên đã được Thanh tra Chính phủ kết luận có sai phạm, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã tiến hành khởi tố bị can, khởi tố vụ án hình sự với các cá nhân làm sai, tức là vụ mua bán trên giữa UBND thành phố và doanh nghiệp là trái quy định của pháp luật, cần phải thu hồi xử lý theo đúng quy định.

"Trong trường hợp này, ông cho rằng giải pháp tốt nhất nếu doanh nghiệp chứng minh mình tham gia vào vụ mua bán trên với tinh thần trong sáng, minh bạch thì có thể có đề nghị được thỏa thuận, thương lượng mức bồi thường các khoản chi phí cơ hội kinh doanh, chênh lệch lãi suất ngân hàng... nhằm giảm thiểu thiệt hại cho mình chứ không nên cuốn theo vụ án kiện tụng", vị LS gợi ý.

Cũng theo vị LS, khởi kiện hoặc yêu cầu thương lượng là quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, doanh nghiệp hoàn toàn có quyền chủ động trong trường hợp có những chứng cứ có lợi cho mình. Đó là trình tự giải quyết vướng mắc giữa doanh nghiệp và UBND thành phố.

Về giải pháp xử lý đối với diện tích đất đã được thu hồi, vị LS cho rằng TP.HCM cần nhanh chóng đưa quỹ đất vào khai thác, sử dụng để tránh tình trạng lãng phí, gây thiệt hại cho nhà nước.

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ sai phạm trước, ông nhấn mạnh TP.HCM cần phải giao cho các cơ quan chức năng liên quan tổ chức thẩm định giá và đưa ra đấu giá công khai. Tổ chức nào trả giá cao nhất sẽ được sử dụng diện tích đất đó.

>>Nguồn từ: Báo Mới.<<

 

Chia sẻ:
Copyrights © 2017 - 2022 MINH VIET PHAT GROUP. All rights reserved. Designed by AIB.VN