MINH VIET PHAT GROUP, Lô J55 Đường NE8, Mỹ Phước 3, Phường Thới Hòa, Bến Cát, Bình Dương , Ho Chi Minh, 70000, VN. 0945 56 6262
Hotline: 0945 56 6262
google.com tiwtter.com youtube.com facebook.com

GIÁO VIÊN PHẠT HỌC SINH 231 CÁI TÁT: VÌ ÁP LỰC THÀNH TÍCH HAY VÌ ĐẠO ĐỨC

 

     Sau vụ việc một giáo viên chủ nhiệm tại Quảng Bình phạt học sinh bằng 231 cái tát vào mặt được đăng tải trên các kênh truyền thông gây xôn xao dư luận đặt ra nhiều vấn đề liên quan, liệu rằng, hành động của cô giáo này là do bản chất bạo hành của riêng cô hay vì do áp lực thành tích trong môi trường giáo dục đào tạo mà gây áp lực tạo nên cách hành xử này của cô?

 

Thi đua thành tích tạo áp lực không nhỏ cho cả học sinh lẫn giáo viên

 

 

     Phong trào “ Hai không” – Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục được phát động và thực hiện hơn 10 năm có vẻ không giúp căn bệnh này giảm đi mà càng trầm kha hơn, xu hướng chạy theo thành tích ngày càng được thể hiện rõ ở nhiều trường hợp cụ thể.

Thi đua- tạo động lực hay áp lực.

     Trên thực tế, một sự thật không thể phủ nhận là phong trào thi đua trong môi trường giáo dục ngày nay gây áp lực rất lớn cho những người thầy, người cô, đặc biệt là ở vai trò giáo viên chủ nhiệm.

     Tại các trường phổ thông hiện nay, hằng tuần vẫn thường công bố một bảng xếp hạng thi đua giữa các lớp. Điều này có thể cho là tạo động lực để học sinh có cơ sở để phấn đấu, rèn luyện thi đua để học tập tốt. Tuy nhiên, một vấn đề không thể phủ nhận là việc thi đua này đặt áp lực không nhỏ lên chính học sinh và cả giáo viên chủ nhiệm. Chỉ cần một học sinh trong lớp nghỉ học( dù có lý do chính đáng, có xin phép) hoặc mắc một lỗi nhỏ thì lớp đó cũng bị trừ điểm thi đua, còn giáo viên chủ nhiệm sẽ bị nhắc nhở và trừ điểm thi đua cá nhân.

     Với những áp lực không hề nhỏ, yêu cầu của một người muốn đi theo nghề giáo không còn chỉ  đơn thuần là cái tâm và đạo đức nghề nghiệp mà còn phải có một tinh thần thép để chịu được áp lực từ các phía. Nhưng, điều quan trọng nhất mà người Thầy phải làm được đó là giữ được cho mình cái tâm sáng và cách hành xử có đạo đức đúng mực.

     Chia sẻ về áp lực trong môi trường giáo dục, một GV dạy tiểu học ở Hà Nội tâm sự: Không ai đồng tình và chấp nhận được hành vi bạo hành của GV với HS dù bất cứ lý do gì. Tuy nhiên, những người chọn nghề giáo sẽ phải là những người có “thần kinh thép” để chịu đựng rất nhiều áp lực ngoài chuyên môn để được xếp vào một “loại” nào đó. Nếu là GV chủ nhiệm lớp thì GV ấy sẽ được xếp loại về công tác chủ nhiệm của mình. Nhiều thầy cô rất nhiệt tình, năng nổ với HS, với lớp nhưng vì một lý do nào đó như HS đi học muộn, quên khăn quàng đỏ, mặc sai đồng phục... thì lớp sẽ bị tụt hạng, GV chủ nhiệm bị nhắc nhở là ít quan tâm sâu sát đến HS.

     Cùng đề cập đến vấn đề này, cô Dương Thị Phương Thảo, Trường THCS Mạc Đĩnh Chi (Q.Ba Đình, Hà Nội), thẳng thắn nêu thực tế: “Đầu năm học, GV căn cứ vào tình hình thực tiễn để lập kế hoạch cá nhân và đăng ký chỉ tiêu giáo dục HS. Nhưng hầu như việc đăng ký ấy chỉ có tính hình thức vì đã bị áp đặt từ cấp trên. Bệnh thành tích của ngành giáo dục đã khiến nhiều GV cố gắng hết sức mệt mỏi, tìm mọi biện pháp để chạy theo chỉ tiêu ấy”.

  Áp lực là thế, khó khăn là thế, tuy nhiên, những người Thầy cần phải rèn cho mình một tinh thần thép, cần tập cho mình một cách hành xử phù hợp để làm gương cho thế hệ học sinh. Nhưng, bên cạnh phần lớn giáo viên tận tâm với nghề với trò, vẫn còn tồn tại nhiều giáo viên có cách hành xử không đúng mực. Đơn cử là cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy, giáo viên trường THCS Duy Ninh( Quảng Bình) đã phạt học sinh 231 cái tát vì cho rằng em này nói tục.

Khởi tố vụ học sinh bị cô giáo và bạn học tát 231 cái

 

 

     Theo thông tin tìm hiểu, trước đó, ngày 26.11, Cơ quan CSĐT Công an H.Quảng Ninh (Quảng Bình) đã ra quyết định khởi tố vụ án “hành hạ người khác” xảy ra tại Trường THCS Duy Ninh để điều tra làm rõ. Như Thanh Niên đã phản ánh, theo thông tin ban đầu, trong buổi học chiều 19.11, vì lý do em H.L.N (học lớp 6.2, Trường THCS Duy Ninh) nói câu “dân ca Thanh” thay vì nói đầy đủ “dân ca Thanh Hóa” như bài học mà một số học sinh cùng lớp đã tố với giáo viên chủ nhiệm lớp là cô Nguyễn Thị Phương Thủy là N., chửi bạn (Thanh là tên mẹ của một bạn cùng lớp). Sau đó, bà Thủy yêu cầu 23 học sinh trong lớp mỗi người tát N. 10 cái. Vì cô quy định nếu ai tát nhẹ thì người bị phạt sẽ tát lại 10 cái, nên các em đều tát rất mạnh vào mặt của N. , đến khi quá đau và uất ức, em N. đã thốt lên câu “ em ghét cô” thì lúc này bà Thủy vung tay tát thêm một cái thật mạnh vào má N.. Sau đó bé N. phải nhập viện trong tình trạng 2 má bị sưng phù, bầm tím và tâm lý không ổn định.

     Sự việc khiến dư luận vô cùng bức xúc. Qua sự việc này, khiến nhiều người đặt ra một câu hỏi lớn: Hành động của giáo viên này là do áp lực của thi đua hay vì nhân cách của cô không đủ để làm nghề giáo? Và có nên hay không, việc rà soát và đánh giá lại vấn đề đạo đức của một số cá nhân trong môi trường giáo dục có những hành vi tương tự như cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy?

 

 

 

 

Chia sẻ:
Copyrights © 2017 - 2022 MINH VIET PHAT GROUP. All rights reserved. Designed by AIB.VN