MINH VIET PHAT GROUP, Lô J55 Đường NE8, Mỹ Phước 3, Phường Thới Hòa, Bến Cát, Bình Dương , Ho Chi Minh, 70000, VN. 0945 56 6262
Hotline: 0945 56 6262
google.com tiwtter.com youtube.com facebook.com

NHÀ ĐẦU TƯ ĐỔ XÔ MUA ĐẤT LÂM HÀ CHỜ LÊN ĐÀ LẠT 2

Những ngày này ở Lâm Hà, mỗi quán cà phê đều có thể là… văn phòng kinh doanh địa ốc. Những ngày này ở Lâm Hà, mỗi quán cà phê đều có thể là… văn phòng kinh doanh địa ốc.

 

Trên những chuyến bay từ Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đến Liên Khương (Lâm Đồng) sau Tết, có rất nhiều du khách không lên TP. Đà Lạt du lịch như thường lệ. Một số rẽ sang huyện Lâm Hà, nơi đang “sốt” đất.

 

 

Đất “sốt” trên cao nguyên

Vừa xuống sân bay Liên Khương, nhóm 4 phụ nữ trung niên từ TP.HCM liền gọi taxi đi Lâm Hà. Họ có kế hoạch này từ trước Tết và thu thập các thông tin về một số mảnh đất nơi đây.

Chị Lê Thanh, một người trong nhóm mau miệng: “Năm nay chúng tôi hợp tuổi, “đi coi” thầy bảo mua đất ở hướng Lâm Đồng sẽ thắng”.

Ở Nam Ban (thị trấn chính của huyện Lâm Hà), nhóm phụ nữ trên không phải là cá biệt. Rất nhiều người từ Hà Nội và các tỉnh khác đến đây từ rất sớm, không phải đầu năm 2022 mà là từ 1-2 năm trước.

Những ngày này, xe mang biển số tỉnh đổ lên rất nhiều. Ngoài thị trấn Nam Ban thì 14 xã còn lại của huyện đều là đất nông nghiệp, đất rẫy, chủ yếu trồng cà phê.

Đường có đường bê tông hoặc đường đất. Xe chúng tôi lắm phen phải vất vả tránh những chiếc xe khác (đều là những người đi tìm đất) đi ngược chiều vì đường rất nhỏ, chưa tới 3m, phải dạt vào vệ đường để nhường nhau.

Anh Hoàn, một người bản địa là “cò đất” đưa những người khách đi coi đất cho biết: Từ sau khi dịch Covid-19 “hạ nhiệt” đất ở Lâm Hà rất “nóng”.

Lượng khách đến đây tăng lên mỗi ngày. Khách có điều kiện thì đi máy bay, không thì đi ô tô. Cả khách từ các tỉnh gần như: Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận thì đi xe máy. “

Có những lúc khách ở phòng công chứng còn đông hơn ở quán cà phê”, anh nói.

Tại thị trấn Nam Ban, giá đất tăng vùn vụt, gấp 3-4 lần so với cách đây 2 năm. Giá những căn mặt phố, tuỳ vị trí, dao động từ 30-40 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, ở Nam Ban, người ta tìm mua đất nghỉ dưỡng, đất thổ cư nông nghiệp hàng chục hecta hơn là mua đất ở.

Đất nông nghiệp và thổ cư ở Lâm Hà còn khá lớn. Anh Hoàn cho biết, giá trên những trang mạng rao bán đất ở đây chỉ có tính tham khảo, không đáng tin cậy: “Thực tế giá hiện nay cao hơn nhiều và rất khó tìm được đất đẹp”.

“Ở thị trấn Nam Ban - nơi có giá đất cao nhất huyện không thể còn những mảnh đất 500m2 có giá 1-1,5 tỷ đồng (trên 2 triệu đồng/m2), bởi khi quy hoạch thành phố nơi đây sẽ là đất đô thị”, anh Hoàn nêu ví dụ.

Tại Đông Thanh, đất nông nghiệp thổ cư có giá từ 500 nghìn đồng - 1,5 triệu đồng/m2. Với những khu đất nông nghiệp đã được quy hoạch đường sá, kéo điện có giá 5 triệu đồng/m2.

Hiện phần lớn người mua đất dồn về các xã Đông Thanh, Gia Lâm, Phi Tô… Anh Quang Anh, một người vừa xuống tay mua 1,3ha đất thổ cư nông nghiệp ở xã Đông Thanh với giá trên 16 tỷ nói: “Tôi mua 4 thửa đất liền kề gộp lại. Hiện trạng là đất trồng cà phê, có một phần thổ cư nông nghiệp, sau này lên đất ở dễ hơn, có giá hơn. Trước mắt cứ để đó, sau này có thể khai thác kinh doanh làm nơi nghỉ dưỡng hoặc có thể bán lại”.

Những ngày này ở Lâm Hà, mỗi quán cà phê đều có thể là… văn phòng kinh doanh địa ốc.

 

 

“Sốt” đất ở Lâm Hà là có cơ sở, khi vùng đất này đang có những thông tin ban đầu về quy hoạch đô thị và đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc - Đà Lạt được vẽ phóng ngang qua đây.

Cuối năm 2020, tỉnh Lâm Đồng đã làm việc với liên danh các nhà đầu tư là Tập đoàn Hưng Thịnh, Tập đoàn Đèo Cả và Công ty Nam Miền Trung về đường cao tốc trên.

Tỉnh cũng đồng ý cho liên danh này tài trợ cho phác thảo quy hoạch TP Lâm Hà. Theo đó, vùng lõi quy hoạch sẽ có diện tích 15.000ha.

Tuy nhiên, đến giờ này, “vùng lõi” là nơi nào thì chưa ai biết vì nếu có thông tin này, chắc chắn 15.000ha đất đó sẽ bị “nuốt chửng” dù giá có ở… trên trời.

Sau liên danh trên, mới đây tỉnh Lâm Đồng tiếp tục cho 2 doanh nghiệp khác là liên danh Tập đoàn Phương Trang cùng T&T nhảy vào tham gia “miếng bánh quy hoạch”.

Như vậy, hiện Lâm Hà có 2 liên danh với 5 doanh nghiệp đang cùng tài trợ cho một quy hoạch 15.000ha ở huyện có diện tích gần 100.000ha này.

Việc có nhiều nhà tài trợ trước mắt sẽ có lợi cho tỉnh Lâm Đồng vì sẽ chọn được ý tưởng hợp lý hơn. Tuy nhiên, theo giới địa ốc, việc này chắc chắn sẽ gây ra xung đột về lợi ích và trước hết sẽ rất rủi ro cho những người mua đất kiểu “ném đá dò đường”, “thấy người ăn khoai vác mai đi đào”.

Tuy nhiên, với nhóm của chị Lê Thanh, họ không có bất cứ thông tin gì về quy hoạch, chỉ đổ xô đi mua vì “tin ở số mệnh, nghe lời thầy”.

Đất lên giá chóng mặt cũng gây ra nhiều hệ luỵ. Anh Việt Phương, một người ở TP.HCM đặt cọc 1 tỷ để mua miếng đất nông nghiệp 2ha ở xã Đông Thanh. Được 3 tháng, khi đang làm thủ tục thì đất lên giá từ 600 nghìn đồng/m2 thành 1,2 triệu đồng/m2. Chủ đất bẻ kèo và giờ cả hai đang mắc kẹt bởi không bên nào chịu bên nào.

Một cán bộ Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Lâm Hà khuyến cáo: “Hiện thông tin về quy hoạch đã có râm ran, nhưng đây chỉ là các doanh nghiệp “tài trợ cho quy hoạch”, nên người dân khi mua đất phải cẩn thận, đừng để bị cò thổi giá và tâm lý đám đông xô đẩy, tiền mất tật mang”.

Theo một người đứng đầu của một trong các doanh nghiệp tài trợ cho quy hoạch TP Lâm Hà - Đà Lạt 2, các phân khu chức năng của 15.000ha đã có hình hài, tuy nhiên chưa có cơ sở pháp lý. Việc công bố quy hoạch và thực hiện không phải một ngày một bữa.

“Ai cũng tranh nhau chạy sớm, ai cũng biết rằng trâu chậm uống nước đục nhưng đồng tiền đi liền khúc ruột, muốn xuống tiền phải có thông tin thật chắc”, vị này cho hay.

Theo: baogiaothong.vn

Chia sẻ:
Copyrights © 2017 - 2022 MINH VIET PHAT GROUP. All rights reserved. Designed by AIB.VN