MINH VIET PHAT GROUP, Lô J55 Đường NE8, Mỹ Phước 3, Phường Thới Hòa, Bến Cát, Bình Dương , Ho Chi Minh, 70000, VN. 0945 56 6262
Hotline: 0945 56 6262
google.com tiwtter.com youtube.com facebook.com

VỤ KIỆN DỰ ÁN KHU DÂN CƯ HÒA LÂN KÉO DÀI: AI LÀ NGƯỜI CHỊU TRÁCH NHIỆM?

     Theo thông tin mới nhất, vừa qua, Báo Thanh Niên tiếp tục nhận được đơn kêu cứu của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Kim Oanh TP.HCM ( Công ty Kim Oanh) liên quan đến những bất cập trong khâu chuyển nhượng chủ đầu tư ở dự án khu dân cư Hòa Lân ( dự án Hòa Lân).

 

Tin liên quan

>> Bất cập khu dân cư Hòa Lân – Bình Dương: Agribank nói gì?

>> Doanh nghiệp kêu cứu vì trạm BOT dày đặc tại Bình Phước

 

     Theo đó, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh TP.HCM (Công ty Kim Oanh) kêu cứu về sự việc Tòa án Nhân dân Q.7 (TAND Q.7), TP.HCM thụ lý đơn kiện của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thiên Phú (Thiên Phú) liên quan đến dự án Khu dân cư Hòa Lân (dự án Hòa Lân).

 

 

 

Hết quyền đối với tài sản nhưng vẫn đâm đơn kiện

 

     Trước đó, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thiên Phú (Thiên Phú) vay của Agribank Chợ Lớn số tiền  305 tỉ đồng và 18.643,3 lượng vàng để thực hiện thi công dự án Hòa Lân, tổng dư nợ sau quy đổi là 1.117.689.720.000 đồng. Và tài sản thế chấp để Thiên Phú vay khoản vay trên chính là dự án Hòa Lân. Sau đó, Công ty Thiên Phú đã vi phạm hợp đồng tín dụng do không trả được nợ xấu. Ngày 17/4/2015, Đại diện Công ty Thiên Phú đã ký biên bản giao dự án Hòa Lân để Agribank Chợ Lớn toàn quyền bán đấu giá tài sản thế chấp, thu hồi khoản nợ trên.

 

     Tại phiên đấu giá ngày 25/5/2017 do Công ty cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn (Công ty Nam Sài Gòn) tổ chức, Công ty TNHH xây dựng An Đông Hải (sau này đổi tên thành Công ty Kim Oanh) là đơn vị trúng đấu giá với giá mua 1.353 tỉ đồng.

 

     Đến ngày 1/7/2017, các bên liên quan gồm: Agribank Chợ Lớn, Công ty Kim Oanh, Thiên Phú, Công ty Nam Sài Gòn ký Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá số 01-10/2017/HĐMBTSBĐG được công chứng tại Văn phòng công chứng Thành phố Mới, tỉnh Bình Dương. Đến ngày 15/3/2019, Công ty Kim Oanh đã thanh toán đủ số tiền mua tài sản đấu giá là 1.353 tỉ đồng cho Agribank Chợ Lớn.

 

     Tuy nhiên, tại thời điểm này, Công ty Thiên Phú lại gửi đơn khởi kiện đến TAND Q.7 yêu cầu tuyên Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 01-10/2017/HĐMBTSBĐG ký ngày 1/7/2017 được công chứng tại Văn phòng công chứng Thành phố Mới, tỉnh Bình Dương là vô hiệu với lý do vi phạm điều cấm của pháp luật, hủy kết quả bán đấu giá tài sản là dự án Hòa Lân. Tòa án Nhân dân (TAND) Q.7 đã thụ lý vụ án 20/2019/KTST ngày 27/2/2019.

 

     Ngày 13/3, Công ty Thiên Phú lại có văn bản bổ sung yêu cầu gửi TAND Q.7 tranh chấp hợp đồng tín dụng và yêu cầu trả nợ đối với Hợp đồng tín dụng số 03.519/HĐTD ngày 1/9/2003 giữa Thiên Phú và Agribank Chợ Lớn và các phụ lục kèm theo.

 

     Sau khi thụ lý tất cả các yêu cầu trên, TAND Q.7 đã có Quyết định số 01/2019/QĐ-BPKKTT ngày 15/3 áp dụng biện pháp khẩn cấp, tạm thời cấm chuyển dịch quyền về tài sản dưới mọi hình thức đối với các tài sản là quyền sử dụng đất thuộc dự án khu dân cư Hòa Lân.

 

Vụ án “ Có 1 không 2”

 

     Ngày 5/4/2019, phóng viên Báo Thanh Niên đã liên hệ TAND Q.7, TP.HCM để nêu ra các vấn đề về thẩm quyền thụ lý vụ án cũng như quan điểm của TAND Q.7 khi tiếp nhận đơn kiện và thụ lý vụ án. Bà Lê Thị Phơ, Chánh văn phòng TAND Q.7, đồng thời là thẩm phán trực tiếp thụ lý vụ án và ban hành Quyết định số 01/2019/QĐ-BPKKTT ngày 15/3 áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch quyền về tài sản dưới mọi hình thức đối với các tài sản là quyền sử dụng đất thuộc dự án khu dân cư Hòa Lân, cho biết: “Hiện nay lãnh đạo TAND quận đều đi vắng, khi nào có chỉ đạo từ lãnh đạo sẽ thông tin chi tiết cho giới truyền thông”.

 

     Từ những tình tiết thu thập từ vụ việc, chúng tôi có hận định sơ bộ về những bất cập trong vụ kiện này, vì:

 

 

     Thứ nhất, Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 01-10/2017/HĐMBTSBĐG là một văn bản công chứng (theo khoản 4, điều 2, luật Công chứng năm 2014) và yêu cầu của Công ty Thiên Phú là “Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” theo quy định tại khoản 11, điều 26, bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (TTDS). Như vậy, bị đơn theo yêu cầu khởi kiện trên chính là Văn phòng công chứng Thành phố Mới (Văn phòng công chứng thực hiện công chứng Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 01-10/2017/HĐMBTSBĐG ngày 1/7/2017), do đó, tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án này là TAND Thành phố Mới, tỉnh Bình Dương - nơi văn phòng công chứng đóng trụ sở theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 35 và điểm a, khoản 1, điều 39, bộ luật TTDS chứ không thuộc TAND Q.7, TP.HCM. Vì vậy, việc TAND Q.7 TP.HCM tiếp nhận thụ lý vụ án là không hợp lý. Và với yêu cầu nêu trên, Agribank Chợ Lớn, Công ty Kim Oanh, Công ty Nam Sài Gòn là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

 

     Thứ hai, Thiên Phú khởi kiện bổ sung để tranh chấp liên quan đến Hợp đồng tín dụng số 03.519/HĐTD ngày 1/9/2003 giữa Công ty Thiên Phú và Agribank Chợ Lớn và các phụ lục kèm theo.

 

     Yêu cầu khởi kiện này thuộc trường hợp “Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự” theo quy định tại khoản 3, điều 26, bộ luật TTDS. Bị đơn theo yêu cầu khởi kiện trên là Agribank (Agribank hội sở, trụ sở Q.Ba Đình, TP.Hà Nội hoặc Agribank Chợ Lớn trụ sở Q.5, TP.HCM). Như vậy, với yêu cầu này, TAND Q.5 hoặc TAND Q.Ba Đình mới có thẩm quyền thụ lý theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 35 và điểm a, khoản 1, điều 39, bộ luật TTDS. Hơn thế nữa, khi TAND Q.7 thụ lý luôn yêu cầu bổ sung của Thiên Phú là trái với quy định của pháp luật vì ở yêu cầu này, Agribank Chợ Lớn trở thành bị đơn trong vụ kiện. Một chủ thể đồng thời là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, vừa là bị đơn trong cùng một vụ án.

 

Bất cập trong thụ lý đơn kiện, ai sẽ bồi thường thiệt hại cho công ty Kim Oanh ?

 

     Khoản 1 điều 136 bộ luật TTDS quy định về khoản tiền đảm bảo là, “do tòa án ấn định nhưng phải tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng”.

 

     Trong khi đó, theo thông tin từ Công ty Kim Oanh, để bảo đảm cho việc TAND Q.7 ban hành Quyết định số 01/2019/QĐ-BPKKTT ngày 15/3 áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch quyền về tài sản dưới mọi hình thức đối với các tài sản là quyền sử dụng đất thuộc dự án khu dân cư Hòa Lân, Thiên Phú chỉ đóng số tiền đảm bảo cho TAND Q.7 là 1 tỉ đồng. Trong khi đó, Công ty Kim Oanh đã hoàn tất thanh toán toàn bộ số tiền để mua đấu giá dự án Hòa Lân là 1.353 tỉ đồng.

 

     Có thể thấy rằng, việc Thiên Phú chỉ đóng 1 tỉ đồng để ngăn chặn khối tài sản có giá trị lên đến 1.353 tỉ đồng, gấp 1.353 lần là không phù hợp với thực tế và quy định pháp luật. Bởi lẽ, chưa xét đến các cơ hội đầu tư và kinh doanh khi Công ty Kim Oanh sử dụng số tiền 1.353 tỉ đồng vào việc khác, nếu đem gửi tiết kiệm tại ngân hàng, tạm tính lãi suất là 5%/năm, số tiền lãi phát sinh hằng tháng đã hơn 5.500.000.000 đồng (năm tỉ năm trăm triệu đồng). Trong khi đó, đây là vụ án phức tạp, thực tế có thể kéo dài nên thiệt hại có thể phát sinh cho các bên liên quan là rất lớn.

 

( Nguồn thanhnien.vn)     

 

 

 

Chia sẻ:
Copyrights © 2017 - 2022 MINH VIET PHAT GROUP. All rights reserved. Designed by AIB.VN